(Tú Dương – TN&MT) – Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu số lượng rác thải trên các cung đường, tuyến phố, khu dân cư của Thủ đô tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Để môi trường những ngày này được phong quang, sạch đẹp đội ngũ công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc vất vả, mệt nhọc hơn.
Sau Tết Nguyên đán, lượng rác thải trong đó chủ yếu là rác sinh hoạt phát sinh từ các gia đình đều tăng lên đột biến. Từ các đường phố lớn đến khu dân cư đều có thể dễ dàng bắt gặp những cành đào, cây quất, cành mai, chậu hoa cúc, nằm chỏng chơ trên vỉa hè. Do lượng rác tăng đột biến nên các xe rác của công nhân vệ sinh môi trường vốn đầy ắp nay lại phải làm thêm nhiệm vụ chuyên chở cây đào, quất bỏ đi.
Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, chị Trần Thị Hoàn – Công nhân môi trường Tổ 15, Chi nhánh Đống Đa cho biết: Cứ sau mỗi dịp Tết, lượng công việc của đội công nhân môi trường tăng lên gấp bội. Người dân loại bỏ đào, quất, bánh kẹo và cả thực phẩm dư thừa. Những cành đào Nhật Tân, đào rừng khá to, hoa đang đẹp bị vứt bỏ. Nhìn những cành đào đẹp, có giá trị bị loại như vậy trong lòng không khỏi nuối tiếc. Tuy vậy, ở nội đô thành phố chỉ có nhà cửa sắt thép, bê tông không có đất để trồng, nên dù muốn giữ lại cũng không được.
Đối với ngày thường công nhân vệ sinh môi trường phải thu gom khoảng 9 – 10 xe rác, còn các đợt cao điểm như trước, trong và sau Tết Nguyên đán thì phải gấp đôi, thậm chí là gấp ba số xe rác nói trên. Đặc điểm của các xe này là xe nào xe đấy cũng đầy ắp, phải còng cả lưng để đẩy. Không chỉ vậy, có những hôm công nhân trong Tổ phải thức từ 3 đến 4 giờ sáng mới được về nhà vì phải quét dọn, thu gom sạch đường phố, hoặc cho tới khi nào không còn rác mới được nghỉ.
Chị Hoàn cho biết thêm, với nhiều người những ngày Tết đến, xuân về là dịp để mọi người sắm sửa, nghỉ ngơi hay đi du xuân nhưng với người công nhân môi trường đó là lúc cao điểm khiến chúng tôi luôn phải căng mình mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Nếu như ngày thường sau giờ quy định đem rác ra, nhân viên môi trường chỉ thu gom một vòng rồi đưa đến điểm tập kết rác. Thế nhưng, ngày Tết qua một vòng, quay lại đã thấy rác mới xuất hiện, lại phải thu gom. Bởi ngày Tết, Công ty yêu cầu không được để rác tồn đọng, ùn ứ trên các tuyến đường.
Thầm lặng với công việc đặc thù, nhiều năm nay anh Nguyễn Tiến Thuỷ – Công ty CP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên cho biết: Sau Tết vì khối lượng rác thải trên địa bàn quận Cầu Giấy tăng lên. Vì vậy, công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc tăng ca liên tục, không để rác tồn. Nói về đào, quất bỏ ra khi Tết đã hết, anh Thuỷ cho hay, những cây quất và chậu đất nặng khiến cho công việc công nhân môi trường rất vất vả, có nhiều gia đinh chơi đào rừng lớn nên đội phải mang theo cả dao để chặt.
Công việc vất vả, mệt nhọc như vậy nhưng chị Hoàn, anh Thuỷ không một lời than vãn. Bởi với họ được gắn bó, được làm phần việc yêu thích nhiều năm qua đã là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Chứng kiến nguyên cả cành đào, cây quất bỏ lại vất vưởng trên vỉa hè những công nhân môi trường như anh Thuỷ hy vọng là mỗi người dân hãy có ý thức hơn, hãy chung tay bảo vệ môi trường thể hiện trong hành động của mình là bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định và khi thải bỏ đào, quất thì hãy chặt nhỏ, để gọn gàng thuận tiện cho nhân viên môi trường thu gom.
Nhận định tình hình rác thải trước và sau Tết nguyên đán 2021, đại diện Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Dịp trước và sau Tết là hai đợt cao điểm về các loại rác thải. Cụ thể, có những ngày khối lượng rác đột biến tăng từ 6.240,67 tấn đến 8.181,23 tấn đối với bãi rác Nam Sơn và từ 1.566,25 tấn đến 2.120,86 tấn đối với bãi rác Xuân Sơn.
Trong đó, đặc thù sau Tết số lượng rác tăng lên, một phần là do cành đào, cành quất thải ra nhiều. Để đáp ứng công tác vệ sinh môi trường trên từng địa bàn được UBND thành phố giao, Công ty đã tập trung huy động 100 % lực lượng, phương tiện tăng cường công tác duy trì vệ sinh môi trường. Thu gom, vận chuyển hết rác, đất thải, phế thải xây dựng phát sinh trong trong ngày và sẵn sàng phục vụ kịp thời các yêu cầu đột xuất. Thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác từ các quận đến bãi Nam Sơn đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an toàn giao thông. Tổ chức lắp đặt bổ sung các thùng rác lưu động trên các tuyến phố để đảm bảo không để rác tồn đọng trên vỉa hè, lòng đường.
Tăng cường thu gom rác ngày bằng các xe tải nhỏ, tăng cường công nhân thủ công đảm bảo thu dọn kịp thời lượng rác phát sinh, không để tồn đọng rác. Phối hợp với UBND các quận tổ chức rửa đường, rửa hè, rửa các chân điểm cẩu, thùng rác đảm bảo mỹ quan đô thị. Thành lập tiểu ban kỹ thuật tổ chức kiểm tra, rà soát tình trạng kỹ thuật xe máy, thiết bị phục vụ công tác môi trường. Kiểm tra thay thế các thùng rác bị hư hỏng, lắp đặt bổ sung thùng rác tại các địa điểm tổ chức hoạt động văn hoá nghệ thuật, điểm vui chơi công cộng…
Chủ động lập phương án và thực hiện tăng cường công tác tiếp nhận và xử lý rác tại bãi Nam Sơn và bãi Xuân Sơn trước và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường phun thuốc ruồi, enchoice, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực bãi, phân công lực lượng điều hành giao thông trên đường vào bãi. Đảm bảo 100% phương tiện, xe máy hoạt động tốt. Thường xuyên kiểm tra hệ thống tách nước mặt tại các ô chôn lấp và mực nước rác tại các hồ chứa; tiến hành khơi thông hệ thống thoát nước mưa, thu nước rác…