MẮT NGƯỜI URENCO

(TN&MT) – Không chỉ trong mùa dịch, mà bao năm nay, mỗi khi làm nhiệm vụ, người Urenco tứ quý lưu niên thường kín mít trong trang phục bảo hộ lao động và khẩu trang. Chỉ hở ra đôi mắt… Những đôi mắt luôn lấp lánh ước mơ “Vì một Hà Nội sáng – xanh – sạch – đẹp”

Trung tâm điều hành sản xuất của URENCO. Ảnh: Việt Hùng

Mắt phụ nữ Urenco thường không được điểm trang; không tô vẽ màu, không lấp lánh nhũ, không kẻ viền mi, không chuốt mascara cho lông mi đậm và cong vút… bởi có điểm trang cũng chẳng trưng diện được khi trừ đôi mắt, cả khuôn mặt luôn được giấu kín sau lần khẩu trang.Đó là chưa kể, đối với những người tiếp xúc với rác thải y tế, rác thải nguy hại thì không phải khẩu trang thông thường mà là khẩu trang chuyên dụng, khẩu trang phòng độc, hay không chỉ một mà là hai lớp khẩu trang. Ở vào những lúc như thế, làm sao cho giản tiện nhất, thoải mái nhất để dễ thao tác trong công việc đã là tốt rồi.

Nữ công nhân URENCO làm việc thường chỉ hở ra… đôi mắt. Ảnh: Việt Hùng

Bình minh của người Urenco không tính từ 5 giờ sáng và hoàng hôn, cũng không phải 6, 7 giờ chiều. Thời gian biểu của người Urenco luôn được tính toán để làm sao ít ảnh hưởng nhất đến đời sống sinh hoạt của đông đảo người dân Hà thành. Mỗi sáng, khi Hà Nội vào tầm đông đúc thì việc vệ sinh đường phố, tỉa cành cắt cây gây cản trở giao thông sẽ rất ít diễn ra, trừ khi phải giải quyết sự cố bất thường. Tầm chiều, người người hối hả trở về nhen bếp lửa chuẩn bị cho bữa cơm gia đình cũng là lúc trong các khu dân cư, người Urenco vào giờ đi thu gom rác. Cuối giờ sáng cho đến hết trưa, sau giờ chiều cho đến hết đêm… là giờ cao điểm. Vậy nên, mắt người Urenco không có giấc ngủ trưa và cũng không tròn giấc ngủ đêm đâu. Trưa, cuối giờ chiều cho đến hết đêm là quãng thời gian cao điểm thuận lợi cho hoạt động thu gom và vận chuyển (trừ hoạt động tiếp nhận, xử lý vẫn vận hành đều trong ngày). Tức là, khi thành phố khép lại một tầm sinh hoạt, là lúc công việc của người Urenco bắt đầu. Cũng tức là, mắt người Urenco thường không ngủ. Mắt thức theo từng đường chổi đêm khuya. Mắt rong ruổi cùng những bước chân đẩy thùng qua các nơi tập kết rác để thu gom. Mắt theo những chuyến xe vận chuyển rác về bãi. Mắt của những ca ba không ngủ, xuyên đêm vận chuyển, tiếp nhận và xử lý. Mắt người Urenco là đôi mắt của đêm.

Và trong mùa dịch, nam công nhân URENCO cũng không là ngoại lệ. Chỉ đôi mắt là tiếp xúc với bên ngoài qua làn kính bải hộ. Ảnh: Việt Hùng

Ở Khu Xử lý chất thải Nam Sơn, vào đêm, cả một vùng điện sáng ồn ào xôn xao, xe vào xe ra như mắc cửi. Mỗi đêm, khoảng 500 xe tập kết rác về bãi, đồng nghĩa với khoảng 1.000 lượt xe cày nhuyễn con đường dẫn lên các ô tập kết dù ngày nào con đường ấy cũng được gia cố. Đêm ở Nam Sơn mới thực là ngày. Cả cán bộ, kỹ sư, chuyên viên, công nhân, nhân viên ca trực đều thức như nhau. Cũng giống như mọi người Urenco, mắt người Nam Sơn không ngủ.

Vì đặc thù trang phục, công việc và để đảm bảo vệ sinh nên người Urenco thường ít nói. Mắt là nơi để người ta nhận ra nhau và nói với nhau không cần lời. Cái dáng vóc nho nhỏ và đôi mắt hồn nhiên kia chắc chắn là của một cô gái đang còn trẻ. Cái nhìn vời vợi xa xăm kia chắc chắn của người lắm nỗi niềm. Vâm váp dáng người và nhiều vết chân chim ở đuôi mắt này chỉ có thể là người phụ nữ trung niên. Bình thản trước rác nhỏ rác to, trời nắng trời mưa là mắt của người đã đạt đến độ từng trải cân bằng… Nhưng người Urenco dẫu có cân bằng chai sạn đến mấy cũng không phải là sỏi đá. Vẫn chợt buồn khi xe thu gom vừa đi chưa khỏi, rác đã vứt ngay sau lưng; vẫn chợt đau khi có ai đó đứng từ xa ném vèo túi rác vào xe thu gom, ngay trước mặt mình; vẫn tủi thân khi mọi người xa lánh mình vì sợ bẩn. Vậy nên, sẽ không sai nếu nói rằng mắt người Urenco là đôi mắt thường trực nỗi niềm.

Nhưng đã trót chọn rồi, hay nói như cô kỹ sư Trần Thị Hằng ở Phòng Kỹ thuật Khu Xử lý chất thải Nam Sơn, “…đã quen rồi. Vả lại, công việc bận rộn lắm, chẳng còn mấy thời gian mà nghĩ với suy”. Tôi tin là cô ấy nói thật, bởi nhìn sâu vào đôi mắt rất đẹp của Hằng là một sự bình thản tự tin dù cô ấy đang kín mít đồ bảo hộ, đôi ủng ngập sâu trong bùn. Và qua đồng nghiệp của Hằng, tôi được biết, vào mùa dịch, 2 con nhỏ của cô, cháu lớn lên 7, cháu nhỏ lên 5, ở nhà tự trông nhau. Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Urenco Hoàng Thị Bích Hạnh cũng cho biết thêm, không riêng gì Hằng, đa số cán bộ, công nhân ở đây đều có một sự tự tin và gắn bó với nghề như thế.

Dưới cái nắng chói chang của mùa hạ, Trần Thị Hằng (thứ hai bên trái) và các công nhân URENCO trò chuyện với phóng viên Báo TN&MT – họ chỉ hở ra những đôi mắt biết nói.

Vậy nên, mắt người Urenco chứa vô số nỗi niềm nhưng cũng chẳng thiếu niềm vui. Trước tiên, khép lại ca làm việc, hoàn thành trọn vẹn công việc là đã thấy vui. Đôi khi chỉ là trước một hành vi cảm thông, trân trọng của một người nào đó chẳng quen biết cũng đủ niềm vui nho nhỏ lâng lâng cả ngày. Đôi khi mở khẩu trang ra lau mặt, nhận thấy ai đó đang chăm chú nhìn mình rồi chợt thốt lên “người của công ty môi trường xinh thật”, thế là vui. 

Người Urenco luôn chọn cho mình cách sống giản dị, biết nén lại những nỗi niềm và trân trọng nâng niu từng niềm vui nho nhỏ. Biết quý trọng công việc mình đang làm. Với họ, không quan trọng là họ làm gì, mà là chất lượng công việc như thế nào, giá trị của công việc đó mang lại cho cộng đồng, xã hội ra sao. Với họ, không có công việc nào là thấp hèn nếu đó là lao động chân chính. Bởi mỗi con người trước khi bước chân vào môi trường này, đã được hiểu thế nào là sứ mệnh, là mục tiêu rất đẹp ẩn sau những công việc giản dị lặng thầm. Vậy nên, đôi mắt người Urenco không chỉ biết buồn. Đó là những đôi mắt biết tự hào, vượt lên hoàn cảnh, chấp nhận khó khăn; những đôi mắt bình thản và cương nghị thể hiện quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ; những đôi mắt góp phần chở khát vọng tiên phong cùng chiến lược đầu tư phát triển bền vững để đưa Urenco trở thành đơn vị hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, phấn đấu: Hành động bằng Trí – Quản lý bằng Tâm – Cộng tác bằng Tín – Cải tiến để phát triển – Sáng tạo để dẫn đầu, đảm bảo và nâng cao chất lượng môi trường cho xã hội và cộng đồng.

Những đôi mắt luôn lấp lánh ước mơ “Vì một Hà Nội sáng – xanh – sạch – đẹp”.

Tùy bút của Nguyễn Dương Mộc Hương