Công việc đầu tiên của ông tại Việt Nam là vào năm 1996, khi đó ông làm việc cho dự án về cơ sở hạ tầng môi trường ở Tây Nguyên (do Chính phủ Đan Mạch tài trợ). Trước khi đến với PCDA, với vai trò là “người” của Chính phủ Đan Mạch, Ngân hàng Thế giới, ông Miles đã làm tại các dự án về môi trường khác nhau ở hơn 34 tỉnh thành trên đất nước Việt Nam. Ông bắt đầu “bén duyên” với PCDA từ năm 2003, khi hỗ trợ Đại sứ quán Đan Mạch xây dựng Hợp phần PCDA.
Là một cố vấn của Hợp phần, trách nhiệm của ông Miles là hỗ trợ, đưa ra lời khuyên, hướng dẫn giúp Ban Quản lý đạt được các mục tiêu trước mắt và mục tiêu phát triển của Hợp phần. Ông Miles cho rằng, năm 2008 sẽ là một năm then chốt của Hợp phần PCDA khi tập trung vào các hoạt động tại 4 tỉnh thí điểm là Thái Nguyên, Hà Nam, Quảng Nam và Bến Tre. Hợp phần sẽ bắt đầu triển khai các dự án trình diễn, thể hiện những ví dụ điển hình về việc cải thiện môi trường ở những làng nghề, khu công nghiệp có tác động đến các cộng đồng nghèo…
“Mọi người có thế thấy rõ sự xuống cấp về môi trường ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang có nhiều hành động để khắc phục tình trạng này nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển. Những người dân sống trong các khu vực đông dân nghèo, thường ở gần các nguồn gây ô nhiễm. Nghèo đói càng tồi tệ hơn vì điều kiện sống thiếu thốn và rủi ro về sức khỏe”. Theo ông Miles, một trong những cái khó của “công cuộc” cải thiện môi trường ở Việt Nam, là tình trạng cán bộ thiếu năng lực trong lĩnh vực môi trường. Vì vậy, trong 2 năm đầu hoạt động, Hợp phần PCDA tập trung phát triển năng lực ở cả cấp Trung ương, địa phương, cấp tỉnh và cấp huyện; hướng dẫn kiểm soát ô nhiễm, lựa chọn công nghệ phù hợp để đưa vào áp dụng thực tế, cũng như có thể sẵn sàng cho việc nhân rộng ở các tỉnh trong cả nước. Thời gian 2 năm, cùng với Bộ Tài nguyên và môi trường, các tỉnh, Hợp phần PCDA đã tìm ra cách tốt nhất để đạt được mục đích với sự tham gia của các đối tác. 3 năm tới, Hợp phần sẽ tập trung triển khai những hoạt động cụ thể.
Cái Tết đầu tiên của ông Miles ở Việt Nam là năm 1997 tại Buôn Ma Thuột với bạn bè và cộng sự. Họ đã tham gia vào nhiều lễ hội truyền thống, tham quan nhiều địa điểm mới của thành phố, chúc Tết nhau vào ngày mùng một Tết cũng như chia sẻ không khí ngày Tết với những gia đình người Việt Nam. Ông đã đón 4 cái Tết nữa ở Việt Nam. “Phong tục Tết (năm mới) ở Scotlen có thể nói là náo nhiệt nhất trên thế giới, nhưng sau Việt Nam. Tôi và vợ cảm thấy rất gắn bó và có nhiều cảm xúc khi đón Tết ở Việt Nam”.
Hơn 10 năm gắn bó với Việt Nam, ông Miles đã cảm nhận được những người Việt Nam nồng hậu, thân thiện và làm việc chăm chỉ. Theo ông Miles, Việt Nam có rất nhiều cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế, hiện đại hóa các hệ thống cơ sở hạ tầng… Song hành với nó là những thách thức về môi trường, hậu quả ô nhiễm. Ông kỳ vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ có những cơ chế hỗ trợ và điều chỉnh để theo kịp sự phát triển kinh tế.
“Các bạn sống trong một thời điểm rất sôi động của đất nước cũng như công việc của mình. Các bạn đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Qua thời gian làm việc trong lĩnh vực này, tôi biết rằng các bạn có khả năng và sự nhiệt thành để thực hiện tốt những công việc cần thiết. Tôi chúc các bạn sức khỏe, công tác tốt và hy vọng trong thời gian còn ở lại với các bạn tôi có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào những thành quả này”. Qua báo Tài nguyên & Môi trường, ông Miles đã không quên gửi tới cán bộ ngành TN&MT nhân dịp năm mới 2008 những lời chúc tốt đẹp.