Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai nhằm phát huy vai trò tri thức trẻ, khoa học trẻ góp sức phát triển công nghệ, ứng dụng trong thời kỳ hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) và góp phần đẩy mạnh phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, tham gia có hiệu quả vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, và phát triển bền vững.
Chương trình nhằm giới thiệu và chuyển giao công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ bằng phương pháp ủ với chế phẩm sinh học, sử dụng các chế phẩm này để sản xuất phân hữu cơ qua phương pháp ủ yếm khí, bán yếm khí và háo khí sẽ tạo ra phân hữu cơ vi sinh, không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà mà còn tạo sản phẩm phân hữu cơ phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Phân bón hữu cơ từ rơm rạ góp phần gia tăng độ mùn cho đất, bổ sung chất dinh dưỡng, nâng cao chất lượng cây trồng.
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, tổng diện tích trồng lúa của Thành phố hơn 200.000 ha phát sinh trên 01 triệu tấn rơm rạ. Khi đốt bỏ, lượng rơm, rạ đó tạo ra khoảng 4,7 triệu tấn CO2; 0,004 triệu tấn CH4; 0,11 triệu tấn CO, gây thiệt hại về môi trường tương đương với 200,3 triệu USD/năm.
Người hít phải khói do đốt rơm rạ nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ung thư phổi;… Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc đốt rơm rạ trong cùng một lúc sẽ làm nóng bầu khí quyển, khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn, đẩy nhiệt độ lên cao. Việc đốt rơm rạ gã) khói bụi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông đường bộ và đường không trong khu vực.
Để xử lý rơm, rạ chương trình “Ứng dụng khoa học và công nghệ xử lý rơm rạ thành phân vi sinh” hướng đến mục tiêu tổ chức thu gom và hỗ trợ xử lý rơm, rạ thành phân bón sinh học, góp phần giảm bớt tình trạng đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường sau khi thu hoạch, gia tăng hiệu quả kinh tế bằng phân bón sinh học từ rơm, rạ. Thông qua việc triển khai chương trình, lực lượng đoàn viên thanh niên sẽ là cầu nối giúp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân về vai trò của khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường sống, tham gia thúc đẩy việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống sản xuất tại địa phương.