Tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo vệ, gữi gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận công dân còn thiếu ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, xả rác bừa bãi trên hè phố, lòng đường, tại các điểm công cộng, vui chơi giải trí, kinh doanh ăn uống; tình trạng phương tiện vận chuyển đổ phế thải, làm rơi đất thải, phế thải trên đường, công trình xây dựng bụi bẩn đường phố; phong trào tổng vệ sinh ở các cơ quan, đơn vị, trên từng địa bàn dân cư vào chiều thứ Sáu, sáng thứ Bảy hàng tuần không được duy trì đều đặn, thường xuyên; quy trình cách thức tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải, quét hút, tưới rửa đường, phố chưa đổi mới phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị …

Vì vậy cần tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo đảm vệ sinh môi trường Thành phố; thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; công tác thu dọn, vận chuyển, xử lý đất thải, phế thải xây dựng; thực hiện các giải pháp giảm bụi bẩn trên đường phố; xây dựng, lắp đặt bổ sung và đảm bảo hiệu quả hoạt động của các nhà vệ sinh công cộng; tổ chức các đợt tăng cường vệ sinh môi trường, lựa chọn một số tuyến phố, khu vực để làm “điểm”; thực hiện đồng bộ công tác vệ sinh môi trường với đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và chỉnh trang đô thị.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu UBND Tp.Hà Nôi đã đưa ra các giải pháp thực hiện cụ thể:
Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội cùng tham gia thực hiện: UBND Thành phố tổ chức quán triệt và triển khai nội dung Kế hoạch, giao nhiệm vụ tới các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc với những nội dung, yêu cầu cụ thể.
Các cơ quan thông tin, tuyên truyền và hệ thống báo đài của trung ương, của Thủ đô thường xuyên đưa tin, bài khơi dậy ý thức và trách nhiệm của người dân Thủ đô trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch; phổ biến các quy định về vệ sinh môi trường để nhân dân biết, thực hiện. Tăng cường thực hiện các bài viết, phóng sự, đưa tin, hình ảnh về các hoạt động bảo đảm vệ sinh môi trường tren địa bàn Thành phố; kịp thời khen ngợi, biểu dương những tổ chức, đơn vị, cá nhân làm tốt, phê phán các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hộ gia đình chưa thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường, các hành vi làm ảnh hưởng tới môi trường. Các cơ quan thông tin, truyền thông, báo đài tiếp tục xây dựng chuyên mục tăng cường quản lý đô thị, trong đó phản ánh thường xuyên, kịp thời việc thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn các địa phương.

Tổ chức thu hút xã hội hóa các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan thông qua các hình thức: băng dôn, khẩu hiệu, pano, áp phích…và tuyên truyền lưu động trên địa bàn tập trung đông dân cư.Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về vệ sinh môi trường, trật tự đô thị kết hợp với tuyên truyền về an toàn giao thông trên hệ thống loa truyền thanh của phường, xã, thị trấn.

Tổ chức thực hiện soạn nôi dung các tờ rơi về bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông để phổ biến đến các cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức đoàn thể, hộ gia đình để nhân dân, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên biết thực hiện.

Tổ chức họp tổ dân phố để phổ biến quy định về vệ sinh môi trường, ký cam kết với các hộ dân có nhà mặt phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ không xả rác tùy tiện ra hè phố, lòng đường và tham gia quản lý, giữ cho hè phố, lòng đường sạch sẽ.

Các cấp chính quyền phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp để tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia và vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên việc triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường ở cơ sở.
Phát động các phong trào, các đợt thi đua, duy trì và tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “ vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng” trên địa bàn toàn Thành phố và phong trào thực hiện tổng vệ sinh vào chiều thứ Sáu sáng thứ Bảy hàng tuần, tập trung vào khối các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, các khu tập thể, tổ dân phố, khu dân cư tập trung .

Tổ chức các đợt cao điểm về vệ sinh môi trường trong các dịp Kỷ niệm 999 năm Thăng Long – Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán Canh dần, kỉ niệm 35 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/40), Quốc tế Lao động 01/05/2010, Kỷ niệm 65 năm ngày Quốc khánh (02/9); trọng tâm là tháng cao điểm phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Trên cơ sở các phong trào thi đua, các đợt cao điểm về vệ sinh môi trường của Thành phố, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể,các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, các địa phương tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, cụ thể trong từng cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện hiệu quả công tác vệ sinh môi trường của Thành phố.
Tổ chức các tuyến phố,khu vực để thực hiện mô hình điểm: Thành phố đã lựa chọn khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, các tuyến đường: Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi – Điện Biên Phủ – Trần Phú , Liễu Giai – Văn Cao – Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng , Xuân Thủy – Cầu Giấy , Phạm Văn Đồng – Phạm Hùng làm các tuyến điểm về bảo đảm vệ sinh môi trường.

Mỗi quận, huyện, thành phố Hà Đông, Sơn Tây lựa chọn một khu vực trung tâm, một số tuyến đường, tuyến phố chính để thực hiện “điểm” về công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm đường phố luôn sach, đẹp.

Trên cơ sở kinh nghiệm, cách thức tổ chức thực hiện ở các tuyến làm “điểm” triển khai mở rộng ra các địa bàn, tuyến phố, tuyến đường khác sau dịp tổ chức sơ kết 6 tháng thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố.

Đầu tư các hạ tầng kỹ thuật đô thị, đầu tư trang thiết bị, phương tiện: Đẩy nhanh việc triển khai và sớm hoàn thành các Dự án mở rộng khu xử lý rác, bãi rác ở Sóc Sơn, Sơn Tây, Chương Mỹ ; tiếp tục triển khai đầu tư khu xử lý rác ở xã Trần Phú (Chương Mỹ); sớm quy hoạch và lập dự án khu xử lý rác tập trung tại một số huyện ngoại thành.

Đầu tư, mua sắm thêm xe ép rác, vận chuyển rác có công suất phù hợp với đặc điểm của các tuyến phố, khu vực dân cư và nhu cầu vận chuyển rác ở từng quận, huyện.
Đầu tư xây dựng một số nhà vệ sinh ngầm, lắp đặt nhà vệ sinh bằng thép tại các điểm công cộng phục vụ nhu cầu sử dụng của nhân dân, của du khách. Duy trì, bảo đảm hiệu quả sử dụng các nhà vệ sinh công cộng hiện có.

Lắp đặt thêm một số trạm cấp nước phục vụ quét hút, tưới nước rửa đường: trạm rửa xe tại các bãi khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng…hạn chế bụi bẩn do phương tiện vận chuyển gây ra.

Kiểm tra xử lý vi phạm: về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên của UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn; của thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, thanh tra văn hóa cùng với sự phối hợp của cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường, lực lượng tự quản, dân phòng ở xã, phường, thị trấn.
Tăng cường các đợt cao điểm và duy trì thường xuyên, lâu dài việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường. Xử phạt hành chính và áp dụng các hình phạt bổ sung ở mức cao nhất theo qui định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường, trật tự đô thị; đặc biệt là các trường hợp cố tình, vi phạm nhiều lần.

Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện: UBND Thành phố thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố tại các quận huyện, thành phố trực thuộc, sở, nghành liên quan và tại các xã, phường, thi trấn. Thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc trong chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch; đồng thời, làm cơ sở để xem xét, đánh giá, thi đua, khen thưởng được chính xác, kịp thời.